Cựu HS Cấp ba thị xã Tây Ninh và những người bạn
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Nhà thơ bốn trong một

2 posters

Go down

Nhà thơ bốn trong một Empty Nhà thơ bốn trong một

Bài gửi  meomun Thu Nov 21, 2013 9:24 am






Nhận định về các tác giả lớn trong Đường thi, người đời sau gọi Lý Bạch là thi tiên, Đỗ Phủ là thi thánh, Vương Duy là thi phật. Thi tiên thì thơ rất thoát tục. Thi thánh thơ rất minh triết. Thi phật thơ rất từ bi. Đọc thơ Bùi Giáng, tôi nghĩ ông gồm thâu được 3 tố chất ấy. Thế nhưng, ông vượt xa người xưa bởi thơ ông có một tố chất rất lạ mà 3 vị trên không có. Bùi Giáng còn có yếu tố thi quỷ!
Bùi Giáng là thi tiên, bởi nhiều khi thơ ông rất thoát tục, bay bổng như con chim hồng “nương mây cưỡi gió mà bay”. Cái tiên khí trong thơ Bùi Giáng hiện ra trong những câu thơ bay bổng tuyệt vời, như có như không giữa một đời trần tục. Mà chính cách sống rời bỏ quê nhà lên rừng núi với bầy dê ngày trước, “hòa nhi bất đồng” giữa đám đông háo danh và vụ lợi trong phồn hoa sau này, sống theo kiểu của ông, nghĩa là chơi với mọi người nhưng không chơi với ai cả, đã là một cách thể hiện tiên khí rồi.
Bùi Giáng không nói về mình, cũng không trả lời những câu hỏi của bất kỳ ai hỏi về thân thế (và thân thể!), sự nghiệp, quê nhà của mình. Cũng như người xưa lạc tới non tiên rồi lòng trần đa đoan có lúc muốn trở về quê nhà mà tìm hoài không thấy, Bùi Giáng cũng không nói rõ về quê nhà của mình: “Hỏi rằng: Người ở quê đâu?/ Thưa rằng: Tôi ở rất lâu quê nhà…/ Hỏi tên: Rằng biển xanh dâu/ Hỏi quê: Rằng mộng ban đầu đã xa…”.
Cái cõi tiên thiên mà ông sống ngày xưa với bầy dê có sương có cỏ, có núi có non, có rừng có suối; cõi bờ mà ông gọi là một vũ trụ hoang liêu và tiêu sơ. Nó vừa giống lại cũng vừa chẳng giống với cái vũ trụ loài người hiện hữu âm dương trong thái dương hệ này: “Còn đất trắng mờ sương gieo giọt nhỏ/ Trút cho đời vũ trụ mọc hoang liêu”.
Bùi Giáng là thi thánh, bởi nhiều khi thơ ông minh triết một cách kỳ lạ. Bạn có bao giờ đối diện với Bùi Giáng chưa nhỉ? Đôi mắt ông không lớn nhưng sáng và tròn; cái nhìn cứ như xuyên thấu tâm hồn con người. Con người có đôi mắt ấy nhiều khi viết ra những câu thơ thần bút khiến người ta kinh ngạc: “Trong linh hồn một bông hoa/ Hình như có cõi người ta đàng hoàng/ Ở trong một phút lang thang/ Có hồn dâu biển đa đoan cơ trời”.
Dịch thơ, với Bùi Giáng, là một thái độ nghiêm túc. Ông bám sát nội dung nguyên tác, đồng thời cũng sáng tạo tuyệt vời bay bổng từ nội dung ấy mà ra. Sự sáng tạo ấy làm cho nguyên tác hay thêm và giàu thêm. Rất nhiều người Việt Nam biết đến bài thơ L’ Adieu (Giã biệt) danh tiếng của nhà thơ Pháp Apollinaire. Có ít nhất 4 nhà thơ Việt Nam đã dịch bài này ra tiếng Việt. Bùi Giáng dịch thế này: “Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo/ Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi/ Rằng đôi ta chẳng còn nhìn nhau nữa/ Cõi trùng lai không có ở trên đời/ Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo/ Xin nhớ cho rằng ta vẫn chờ em”.
Nguyên tác thơ tiếng Pháp chỉ có 5 câu; bản dịch của Bùi Giáng có 6 câu. Cái câu dư đó (so với nguyên tác) ở đâu mà ra? Bùi Giáng chỉ cắt 2 chữ “sur terre” trong bản tiếng Pháp “Nous ne nous verrons plus sur terre” làm thành một câu tiếng Việt hoàn chỉnh. “Sur terre” có nghĩa là trên trái đất. Và với một tinh thần cảm thụ thi ca cực kỳ minh triết, Bùi Giáng đã biến hai chữ đó thành một câu thơ thần bút “Cõi trùng lai không có ở trên đời”.
Bài thơ Chào Nguyên xuân là một bài lục bát đã thể hiện được hết cái tài hoa làm thơ lục bát của ông. Cái gì cũng nhẹ nhàng thanh thoát như nước chảy mây trôi, từ giọng điệu, đến thi ảnh, đến cách dùng ngôn ngữ mang tính đối lập trong thơ: “Xin chào nhau giữa bàn tay/ Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con/ Thưa rằng những ngón thon thon/ Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau…/ … Thưa rằng: Ly biệt mai sau/ Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên xuân”. Chữ nghĩa bình thường, không có chi cao xa bí hiểm nhưng cái hồn lục bát lung linh vời vợi. Bùi Giáng muốn chứng minh rằng với những chữ bình thường nhất, người ta vẫn viết được những câu thơ đẹp nhất.
Ngay trong những bài thơ nói về sự đau đớn, Bùi Giáng cũng nói với một giọng điệu minh triết, chừng mực. Thế nhưng cái minh triết chừng mực ấy lại làm cho người đọc thơ ông bàng hoàng cảm xúc, hình tượng ra một cõi đìu hiu mênh mông: “Đi về gót hẹn điêu linh/ Suốt bờ cõi lạnh sương thình lình gieo/ Đi về hồng lệ tuôn theo/ Mắt màu thu nhạt gió leo chân trời”.
Bùi Giáng còn là thi Phật. Nhiều bài thơ của ông hàm chứa Phật tính cao cường, Phật lực mênh mông. Số phận con người hữu hạn, đời sống con người ngắn ngủi. Bùi Giáng biết mình sẽ đối mặt với ngày đó. Thái độ của ông là thái độ của một con người bình thản và bình tĩnh đón nhận: “Ngày sẽ hết, tôi sẽ không ở lại/ Tôi sẽ đi và chẳng biết đi đâu/ Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi/ Vì nơi đây, tôi sống đủ vui sầu”.
Đạo Phật có khái niệm chúng sinh - mọi loài có sự sống trên đời. Bùi Giáng phát tâm từ bi, yêu mọi loài trong chúng sinh, trong đó có những loài mà con người ghét bỏ. Trong bài Phụng hiến, ông viết: “Xin yêu mãi, yêu và yêu mãi mãi/ Trần gian ơi, cánh dế cánh chuồn chuồn/ Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại/ Con vi trùng và sâu bọ cũng yêu luôn”.
Đạo Phật coi tấm thân của con người là cái túi để đựng xương thịt, vốn chỉ là tạm bợ, hữu hạn. Ngày con người chết đi mới là ngày đại hoan hỉ. Bùi Giáng cũng có quan điểm gần với tư duy ấy. Ông viết về cái chết của một người thân yêu: “Mưa bay kín cổng giang hà/ Lệ bay ríu rít chim ca đầy trời/ Người đi, tôi đứng tôi ngồi/ Nhìn theo ba ngả, bốn trời tôi ca”.
Bùi Giáng còn là thi quỷ. Ông nghịch ngơm một cách quỷ quái trong thi ca. Người Quảng Nam là những người giàu tính hài hước, trào phúng. Cũng như những loại hình hài hước dân gian phổ biến xưa (và nay), cái hài hước dân gian Quảng Nam thường xoay quanh cái “sex” trong cách nói lái. Ngay cái tựa tập thơ Lá hoa cồn đã thấy mệt. Trong lúc trà dư tửu hậu, ai bảo ông vui lòng giải thích cho nghe lá hoa cồn là gì, ông nghiêm nghị mà đáp ỡm ờ rằng “Lá hoa cồn là…” rồi dừng, không nói nữa. Ai nghe gì đó thì nghe...
Cũng như người xưa, Bùi Giáng có những bài thơ ghẹo đời. Ông làm bài thơ Tưới nước - kể chuyện ông… tiểu tiện vào một gốc cây bên đường. Bài thơ như vầy: “Cây này được tưới hôm qua/ Hôm nay tưới nữa qua loa đỡ buồn/ Bàn chân em bước ngoài đường/ Bụi lem luốc lấm, môi hường cứ xinh/ Tươi vui chẳng biết bực mình/ Lại đây anh tưới càng xinh em càng…”.
Ông lớn lên gần khu vực đền tháp Mỹ Sơn. Hình ảnh các Apsara - biểu tượng của nhan sắc - và 2 vật tổ Linga, Yoni phồn thực phương Đông vốn đã rất quen thuộc với ông. Trong thơ, ông gọi Yoni là “cái nhu mì” - cái mềm mại và dễ thương nhất. Thơ ông có nhiều câu ca ngợi cái nhu mì ấy: “Đường đi lót đá êm đềm/ Cậy em thủng thẳng dịu mềm em đi/ Mai sau còn một tí gì/ Ấy là khu vực nhu mì của em/ …Dịu dàng tiếng nói từ ly/ Của em vô tận nhu mì của em/ Hở hang em rất dịu mềm/ Hồng hoang thâm tạ tuyết rèm phôi pha”.
VŨ ĐỨC SAO BIỂN
meomun
meomun
Thành viên tích cực

Tổng số bài gửi : 568
Join date : 09/08/2010

Về Đầu Trang Go down

Nhà thơ bốn trong một Empty Re: Nhà thơ bốn trong một

Bài gửi  Kitty Wed Nov 27, 2013 11:02 pm

Anh Mun ơi, hôm nào rảnh anh biên soạn bộ sưu tập thơ Bùi Giáng anh hén! Very Happy
Kitty
Kitty
Nhân viên phục vụ

Tổng số bài gửi : 597
Join date : 19/07/2010

http://lopn5.weebly.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết